Lượt xem: 5116

“Bác đã về đây Tổ quốc ơi!”

Lịch sử nhớ mãi, 80 năm về trước, ngày 28-01-1941, đất nước đón một người con của dân tộc, 30 năm trước đi tìm chân lý để về giúp đồng bào. Nhà thơ Tố Hữu viết: “Bác đã về đây Tổ quốc ơi!/ Nhớ thương, hòn đất ấm hơi Người./ Ba mươi năm ấy chân không nghỉ,/ Mà đến bây giờ mới tới nơi!”. Sự kiện Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam có ý nghĩa lịch sử vô cùng sâu sắc, gắn liền với vận mệnh của đất nước ta.

    Rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước vào mùa Hè năm 1911 từ Bến cảng Nhà Rồng, để rồi đến năm 1941, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh mới trở về quê hương sau 30 năm bôn ba nước ngoài. 30 năm ấy là một chặng đường dài, phải trải qua các đại dương và châu lục, ghi nhận sự trưởng thành của một con người về tuổi đời, nhận thức, tư tưởng, từ thân phận nô lệ trở thành một chiến sĩ cộng sản kiên cường và đầy sáng tạo.


Bức tranh "Bác Hồ về nước" của họa sĩ Trịnh Phòng

 

    Đã nhiều lần Người tìm đường trở về Tổ quốc nhưng đều không thể thực hiện. Đó là khi Người hoạt động ở Quảng Châu (Trung Quốc) và sau đó ở Thái Lan - thời kỳ mà thực dân Pháp tìm mọi cách để “tiêu diệt” những người cách mạng ở Đông Dương, đặc biệt là sự lùng sục rất gắt gao nhằm tìm ra tung tích của Nguyễn Ái Quốc. Nên mọi “cố gắng đi về An Nam” của Người đều phải “quay trở lại” bởi sự “canh phòng của mật thám và cảnh sát ở biên giới quá cẩn mật”.

    Cho đến lần thứ ba, việc tìm đường về nước của Người mới từng bước được thực hiện. Đó là vào đầu năm 1940, khi về hoạt động tại Côn Minh (Trung Quốc), được sự giúp đỡ của những người cách mạng Trung Quốc, Người đã bắt được liên lạc với Ban Hải ngoại của Đảng ta. Giữa lúc này, tình hình thế giới có nhiều biến chuyển mau chóng, đặc biệt là sự ác liệt và quy mô rộng lớn của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, đang mở ra nhiều cơ hội cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới… Ngay khi được tin phát xít Đức tấn công nước Pháp và Chính phủ Pháp chấp nhận đầu hàng không điều kiện, nhận thấy cơ hội giải phóng cho dân tộc ta đang đến gần, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập ngay cuộc họp với các đồng chí trong Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng ta, phân tích tình hình và chỉ rõ: “Đây là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”.

    Lúc này, tình hình ở trong nước diễn ra hết sức sôi động: Pháp đầu hàng Nhật, hệ thống chính quyền tay sai của Pháp ở một số nơi hoang mang, tan rã; Nhân dân Bắc Sơn nổi dậy vũ trang giành chính quyền. Đội du kích Bắc Sơn được thành lập, Nhân dân Nam Kỳ cũng đang ráo riết chuẩn bị khởi nghĩa... Nhận thấy, một cao trào cách mạng nhất định sẽ nổ ra, “Đảng phải chuẩn bị để gánh lấy cái sứ mệnh thiêng liêng: Lãnh đạo cho các dân tộc bị áp bức Đông Dương võ trang bạo động giành lấy quyền tự do độc lập”. Tháng 11-1940, Trung ương Đảng đã họp hội nghị tại làng Đình Bảng, Bắc Ninh. Hội nghị quyết định: Tiếp tục duy trì Đội du kích Bắc Sơn, hoãn khởi nghĩa Nam Kỳ, chắp nối liên lạc với Quốc tế Cộng sản và bộ phận hải ngoại của Đảng.

    Cuối tháng 10-1940, Nguyễn Ái Quốc cùng một số cán bộ từ Côn Minh về Quế Lâm (Quảng Tây, Trung Quốc). Sau đó, vào hạ tuần tháng 12-1940, Người rời Quế Lâm đi xuống Tĩnh Tây (Quảng Tây) để tìm đường về nước theo hướng mới. Và tại làng Tân Khư (Tĩnh Tây), vài ngày sau Tết dương lịch 1941, đồng chí Hoàng Văn Thụ từ trong nước sang đã gặp được Người ở đây, đồng chí báo cáo với Người tình hình trong nước, đồng thời đề nghị Người nên chọn hướng Cao Bằng để về nước, vì ở đó có điều kiện thuận lợi.


Bức tranh “Nắm đất quê hương'' - Tranh sơn dầu của Phạm Công Thành

 

    Mấy ngày sau, Bác Hồ cùng Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp được đồng chí Hoàng Sâm dẫn đường, qua Nậm Bo xuống Nậm Quang. Tại Nậm Quang, Người mở lớp huấn luyện cho 43 cán bộ cách mạng Việt Nam.

    Ngày 01-01 Tết Tân Tỵ (năm 1941), Bác Hồ cùng các đồng chí trong đoàn đi chúc Tết nhân dân hai làng Nậm Quang, Ngàn Tấy. Sớm ngày hôm sau, ngày 28-01-1941 (Mồng 2 Tết), Người lên đường về nước. Buổi trưa, Người về đến biên giới Việt - Trung, đoạn cột mốc 108. Lòng bồi hồi, xúc động khi đặt bước chân đầu tiên lên dải đất quê hương, Người lặng đi trong phút giây thiêng liêng được về với Tổ quốc, với đồng bào sau gần 30 năm xa cách. Phút giây đó, sau này được Người kể lại: “Bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động”.

    Những ngày đầu về nước, Người ở thôn Pác Bó. Sau đó, Người chọn hang Cốc Bó làm nơi đứng chân đầu tiên. Từ ngày 08-02-1941, Người bắt đầu sống và làm việc tại đây và nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới. Mặc dù thiếu thốn, gian khổ, nhưng tâm hồn của Bác luôn ung dung, thanh thản, tràn đầy một tinh thần lạc quan cách mạng và bắt tay ngay vào công việc.

    Trước sự biến động sâu sắc của tình thế cách mạng thế giới, đặc biệt là phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật của nhân dân ta đang trên đà phát triển, sau thời gian tìm hiểu nắm bắt tình hình, nhận thấy thời cơ thuận lợi đang đến gần, đòi hỏi Đảng ta phải có những quyết sách kịp thời, chỉ đạo sát sao, nhạy bén và tập trung hơn nữa để thúc đẩy phong trào quần chúng, tập hợp cho được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu giải phóng dân tộc khi thời cơ đến, với danh nghĩa đại diện Quốc tế Cộng sản, tháng 5-1941, Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng họp ở Cao Bằng.

    Qua phân tích tình hình thế giới, tình hình Đông Dương, phong trào cách mạng và đề ra những nhiệm vụ trước mắt của Đảng Cộng sản. Hội nghị đề cập nhiều vấn đề quan trọng, như: Cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là cuộc cách mạng “giải phóng dân tộc”; kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương là “phát xít Pháp - Nhật và các lực lượng phản cách mạng tay sai cho chúng”; nguyện vọng của nhân dân Đông Dương lúc này là “đánh đuổi Pháp - Nhật, làm cho xứ Đông Dương độc lập”… Hội nghị nhất trí cần giương cao ngọn cờ độc lập, đánh thức tinh thần dân tộc lên mức cao nhất; lập Việt Nam độc lập đồng minh thay cho Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương; chủ trương lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà…


Bức tranh "Bác Hồ làm việc bên suốt Lênin" của họa sĩ Trịnh Phòng.

 

    Trải qua một thời gian dài từ cuối 1939 (Hội nghị Trung ương 6) đến năm 1941 (Hội nghị Trung ương 8), Đảng Cộng sản mới hoàn thành sự chuyển hướng chiến lược, sách lược cho thích ứng với tình hình mới của thế giới của của nước mình, đáp ứng nhiệm vụ lịch sử trọng đại mà Đảng đã hứa hẹn với quốc dân từ ngày thành lập. Sở dĩ hoạch định được sự chuyển hướng quyết định này là nhờ Đảng rút kinh nghiệm của chính mình, trong đó có vai trò rất lớn của đồng chí Nguyễn Ái Quốc ở Hội nghị Trung ương lần thứ 8.

    Sự thay đổi chiến lược đó đã đáp ứng được khát vọng độc lập, tự do của toàn dân tộc, đó cũng là sự trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường của cách mạng Việt Nam được nêu ra trong Chánh cương, Sách lược vắn tắt từ đầu năm 1930, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ngày càng phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ và “rộng rãi đến một trình độ xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử cách mạng nước ta”, đưa cách mạng đến thắng lợi “nhanh chóng đến mức làm cho người ta sững sờ” trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 và sau đó là chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, là đại thắng mùa Xuân 1975…

    Sự kiện Bác Hồ về nước mùa Xuân năm 1941 là một mùa Xuân đặc biệt trong cuộc đời 79 mùa xuân của Người, vì đó là mùa xuân đầu tiên Bác Hồ trở về Tổ quốc, kết thúc chặng đường dài sau gần 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, hoạt động ở nước ngoài, để rồi từ đó trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam và cùng Đảng ta đem lại những mùa Xuân cho dân tộc.

Quốc Hùng



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 71
  • Hôm nay: 6898
  • Trong tuần: 77,605
  • Tất cả: 11,800,925